Quan điểm của TnBS về Đặc khu kinh tế

Đặc khu kinh tế bao giờ cũng bắt đầu là chỗ hoang vu, cách xa các thành phố lớn…nơi không có điều kiện phát triển theo nguyên tắc Domino từ các đô thị lớn. Ở đó, cơ chế đặc biệt sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn, rót vốn vào làm, kể cả đường sá, bến cảng, sân bay, trường học, bệnh viện. Cái duy nhất người chủ đất (tức quốc gia sở hữu vùng đặc khu đó) cung cấp là bản quy hoạch chi tiết và cơ chế pháp lý. Ví dụ sân bay Vân Đồn, công ty tư nhân họ xây họ kinh doanh chứ chúng ta có bỏ tiền ra đâu.

Các “nhà kinh tế” theo như bài báo này (https://tuoitre.vn/dau-tu-ca-trieu-ti-dong-cho-3-dac-khu-lieu-co-hieu-qua-20180412084047297.htm), ngồi ở Tp HCM và Hà Nội nên mong muốn đem đặc khu về hai thành phố này vì lý do như họ nghĩ là có người giỏi. Thật ra, dù hẻo lánh cỡ nào, trả lương thật cao, thu nhập thật cao là người giỏi khắp thế giới đổ về làm. Thực tế hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ngành du lịch giỏi nhất đã đổ xô về Phú Quốc làm việc, ngay cả người nước ngoài, vì đơn giản có nhiều khách sạn, resort 5 sao chấp nhận trả họ lương cao gấp mấy lần ở Sài Gòn, Hà Nội.

Nhà Thanh cho người Anh sở hữu hòn đảo Hongkong trong 99 năm, từ một vùng đất bình thường, vốn đầu tư quốc tế đổ về và nhân tài khắp thế giới đến sinh sống làm việc ở hòn đảo đầy muỗi này. Năm 1997, Hongkong trao trả về Trung Quốc với sự phồn vinh thậm chí còn hơn cả London. Tương tự là Singapore cũng có thể là đặc khu tách ra từ Malaysia, Thâm Quyến-một vùng cát biển và cây dương trở thành nơi phồn thịnh nhất nhì Trung Quốc, nơi sinh viên giỏi nhất nước này tập trung đến để thử cơ hội việc làm trong đời, hay Jeju Hàn Quốc, một hòn đảo nghèo xơ xác trở thành một trung tâm kinh tế du lịch sầm uất nhờ cơ chế đặc thù của đặc khu (ví dụ người nước ngoài có thể đến đây mà không cần visa, miễn là đường bay không ghé và nhập cảnh Seoul, Busan…).

Đặc khu kinh tế Việt Nam

Đặc khu kinh tế Việt Nam – Ảnh Nguồn VTV1

Những nhà kinh tế, một khi phát biểu lên báo chí, cần được đi nhiều, thật nhiều và có nhãn quan, tầm nhìn lớn, có sự khách quan và khoa học trong phân tích. Cầu thị là phải đúng đối tượng, cho các bạn trẻ làm không ra tiền, toàn đi xe máy, chưa bao giờ đi máy bay góp ý về sân bay, bến cảng, đặc khu kinh tế, quy hoạch giao thông công cộng….thì nghe theo, cầu thị theo có mà chớt. Bản kiến trúc sân bay đưa lên báo điện tử để góp ý, toàn ý kiến “đường băng vậy dài quá rồi, lấy kiến trúc nhà ga này nè, nhìn thấy đẹp giống quán Karaoke gần nhà em”. “Sao lại cấm xe máy, không có xe máy đi bằng gì, nước ta có nền giao thông khác”….

Chuyện đại sự, không phải ai trong làng cũng cho tham gia bàn bạc. Cứ hỏi thầy đồ trong làng, thì bác ấy sẽ bảo “sáng nay, bên cốc chè xanh đặc quánh, rít xong hơi thuốc lào, tôi thấy là đặc khu kinh tế nên ở cạnh miếng đất…vợ tôi mới mua”. Tư duy “nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái giậu mồng tơi xanh dờn”, canh mồng tơi mình thấy ngon nhưng ra quốc tế, không phải ai cũng gu cà pháo mắm tôm thuốc lào như mình.

Doanh nhân, đi đầu tư làm ăn mà cắc cớ đi hỏi thầy giáo, thì sẽ được bàn ra ngay. “Tiền đâu mà làm, lỡ mất thì sao, eo ôi sợ lắm”.

Họ chọn nghề giáo thì tư duy đã “ăn chắc mặc bền” rồi, chỉ trà dư tửu hậu cho vui, hoặc bàn về chuyên môn gõ đầu trẻ, chứ không nên rủ đi du lịch mạo hiểm, kinh doanh, làm việc lớn.

Khộ quá khộ.
Nguồn: https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/posts/1959623090757207

TnBS

Leave a Reply